Phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo sau khớp gối qua nội soi

bởi admin. Th11. 03, 2023 0
Chia sẻ Tweet Pin it

Dây chằng chéo sau nằm ở trung tâm khớp gối, có chức năng chính là chống sự di lệch ra sau của mâm chày và lồi cầu đùi, đặc biệt khi gối gấp 90 độ, phối hợp với các dây chằng khác của khớp gối giữ vững khớp. Cơ chế chấn thương chủ yếu của dây chằng chéo sau thường do lực tác động mạnh vào mặt trước đầu trên của cẳng chân. Tổn thương dây chằng chéo sau nếu không điều trị kịp thời, đúng phương pháp có thể dẫn đến biến chứng hạn chế chức năng, thoái hóa khớp gối.

Hiện nay, phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo sau khớp gối là một trong những kỹ thuật thường qui của các Khoa Phẫu thuật Khớp, Bệnh viện. Qua quá trình điều trị cho bệnh nhân, chúng tôi cung cấp một số triệu chứng điển hình, tóm tắt phương pháp phẫu thuật và những biến chứng có thể xảy ra, cũng như quá trình luyện tập sau mổ, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả điều trị, phòng ngừa những biến chứng có thể xảy ra.

1. Triệu chứng tổn thương dây chằng chéo sau:

Cảm nhận của bệnh nhân (triệu chứng cơ năng): Bệnh nhân thấy khớp gối không vững, đặc biệt khi lên xuống cầu thang, làm cho bệnh nhân không thể tham gia các hoạt động mạnh (chạy, nhảy, chơi thể thao…), quan sát thấy đùi bên chân bệnh teo hơn so với bên lành, nhìn đầu trên của cẳng chân bịt “tụt” ra sau. Nếu tổn thương kéo dài bệnh nhân có thể thấy các triệu chứng như đau và nề khớp gối, đó là hậu quả do thoái hóa khớp.

Thăm khám: Các bác sĩ sẽ dùng nhiều phương pháp thăm khám để chẩn đoán xác định tổn thương dây chằng chéo sau, trong đó có hai nghiệm pháp quan trọng: Quan sát thấy mâm chày tụt ra sau so với lồi cầu đùi (nghiệm pháp Godfrey). Nghiệm pháp ngăn kéo sau dương tính.

Phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo sau khớp gối qua nội soi  

Cận lâm sàng (xét nghiệm): có hai phương pháp quan trọng để chẩn đoán tổn thương dây chằng chéo sau, đó là:

Chụp X-quang khớp gối có lực đẩy ra sau ở đầu trên cẳng chân: sẽ quan sát thấy mâm chày ra sau so với lồi cầu đùi.

Cộng hưởng từ MRI : sẽ thấy đứt đoạn hoặc mất tín hiệu của dây chằng chéo sau

Phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo sau khớp gối qua nội soi 2

2. Chỉ định phẫu thuật

Không phải tất cả những bệnh nhân bị tổn thương dây chằng chéo sau đều phải mổ. Chỉ định phẫu thuật cho những trường hợp sau:

  • Bệnh nhân đứt dây chằng chéo sau độ II, III có biểu hiện lỏng, đau hoặc nề khớp gối
  • Tuổi thông thường từ 18-50 tuổi
  • Không có biến chứng thoái hóa khớp nặng, không hạn chế gấp duỗi gối, không nhiễm khuẩn khớp.

3. Kỹ thuật mổ

Phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo sau khớp gối được tiến hành hoàn toàn qua nội soi. Thời gian cuộc mổ kéo dài khoảng 60-90 phút.

Dây chằng bị đứt có thể được thay thế bằng chính gân lấy từ bệnh nhân (gọi là gân tự thân), thông thường là gân Hamstring, việc lấy gân hầu như không ảnh hưởng đến chức năng khớp gối của bệnh nhân. Ngoài ra, chúng tôi có thể sử dụng gân đồng loại (gân của người khác, đã được xử lý, bảo quản đông lạnh), gân đồng loại có giá trị như gân tự thân, nhưng nguồn cung cấp hạn chế và giá thành cao. Chi tiết về chi phí mổ xin xem tại đây: https://chanthuongchinhhinh.com/chi-phi-mo-dut-day-chang-cheo-sau-co-bhyt-va-dich-vu/

Phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo sau khớp gối qua nội soi 3

4. Sau mổ

Thông thường bệnh nhân nằm viện khoảng 5 ngày.

Sau mổ bệnh nhân có thể gặp một số triệu chứng sau:

  • Nề (sưng) khớp gối: thông thường, hầu như tất cả các bệnh nhân đều sưng khớp gối ở các mức độ khác nhau, sưng nhiều nhất trong tuần đầu sau mổ, đa số triệu chứng này sẽ giảm dần và hết sau 4-6 tuần, có thể 1 số bệnh nhân còn sưng nhẹ, nhưng không đau, nhức, không ảnh hưởng đến chức năng khớp. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân thấy khớp gối sưng nhiều, căng, nhức, đặc biệt kèm theo sốt, đó là các triệu chứng báo hiệu có thể bị nhiễm khuẩn khớp, bệnh nhân cần thông báo ngay với bác sĩ để có biện pháp điều trị phù hợp.
  • Tê bì mặt trước trong cẳng chân, triêu chứng này thường tự hết trong 1 vài tháng.
  • Đau tại khớp gối: thông thường đau nhất vào ngày thứ nhất sau mổ, nhưng sau đó sẽ giảm dần, và chỉ còn đau nhẹ từ ngày thứ 3-thứ 5 sau sau mổ, hết đau sau 1 -2 tuần.

Một số biến chứng có thể gặp phải:

  1. Nhiếm khuẩn khớp gối: tỷ lệ khoàng 0,5%. Bệnh nhân thấy đau nhức khớp liên tục, khớp nóng, nề, thường kèm theo sốt. Nhiếm khuẩn tại vết mổ chỗ lấy gân: thường có biểu hiện tấy đỏ, chảy dịch, có thể bị nhiễm khuẩn sớm ngay trong tuần đầu sau mổ, có thể nhiễm khuẩn muộn sau 1 vài tháng.
  2. Hạn chế gấp/duỗi gối, thường do bệnh nhân không tuân thủ tốt quá trình luyện tập.
  3. Tràn dịch khớp gối ở mức độ khác nhau, chỉ xem xét chọc hút dịch khớp nếu tràn dịch mức độ nhiều, gây căng tức khớp gối, ảnh hưởng đến vận động.
  4. Teo cơ tứ đầu đùi, thường do luyện tập không đúng qui trình.
  5. Lỏng khớp gối: có thể bệnh nhân vẫn có cảm giác khớp gối không vững chắc như trước khi chấn thương, tuy nhiên độ vững khớp gối có cải thiện so với trước mổ.
  6. Thoái hóa khớp: bệnh nhân có biểu hiện đau khớp, đau tăng khi vận động, khi về đêm.
  7. Đứt lại dây chằng chéo sau, thường do chấn thương.
Nên gặp các biến chứng trên bệnh nhân cần thông báo ngay với bác sĩ để có biện pháp điều trị phù hợp.

5. Luyện tập sau mổ Qui trình luyện tập chia thành 5 giai đoạn:

5.1. Giai đoạn 1: Tập ngay sau mổ cho đến hết 8 tuần Sau mổ bệnh nhân được mang nẹp gối, đi nạng đến 8 tuần. Tỳ nén lên chân bệnh tăng dần, sau 8 tuần có thể tỳ nén hoàn toàn Tập co cơ tĩnh các cơ đùi, cẳng chân, gấp gối thụ động tăng dần

5.2. Giai đoạn 2: từ tuần 9 đến tuần 12 Bỏ nẹp khóa, thay bằng bao gối. Bỏ nạng, tỳ chân hoàn toàn. Có thể gấp gối tối đa Tiếp tục luyện tập như giai đoạn 1, tập thêm các động tác kiễng gót, khuỵu gối dựa tường, gấp, duỗi gối chủ động

5.3. Giai đoạn 3: từ 3 đến 9 tháng Tiếp tục tập như giai đoạn 2, nhưng có tải trọng (đeo bao cát hoặc tạ khoảng 3kg vào cổ chân), hoặc tập với 1 chân bên bệnh Mục đích của giai đoạn này là phục hồi hoàn toàn sức cơ tứ đầu đùi, không còn cảm giác đau, hoặc khó chịu ở khớp gối Có thể tập thêm các động tác như bơi, đạp xe, tập lên xuống cầu thang…

5.4. Giai đoạn 4: Từ 9- 12 tháng Tiếp tục các bài tập mềm dẻo và tăng cường sức mạnh Tập các bài hỗ trợ tùy theo mục tiêu cụ thể của bệnh nhân (chơi bóng đá, bóng chuyền,…) Bắt đầu tập các bài tập kỹ năng của môn thể thao

5.5. Giai đoạn 5: Bắt đầu sau 12 tháng Quay trở lại hoạt động, chơi thể thao bình thường như trước chấn thương. Nên mang bó gối trong 02 năm.

Phùng Văn Tuấn, Lê Hồng Hải, Nguyễn Quốc Dũng và cs
Thẻ:

    Đừng bỏ lỡ một câu chuyện

    Theo dõi bản tin email của chúng tôi:

    Đừng lo lắng, chúng tôi ghét thư rác nhiều như bạn

    Bài viết liên quan

    Nội soi khâu TFCC  – Điều trị đau cổ tay
    Video

    Nội soi khâu TFCC – Điều trị đau cổ tay

    bởi admin. Th11. 04, 2023 0
    Cách lấy gân Hamstring làm dây chằng mới
    Video

    Cách lấy gân Hamstring làm dây chằng mới

    bởi admin. Th11. 03, 2023 0

    Để lại bình luận